Khó quản thức ăn, thuốc thú y thủy sản

10 Nguyễn Cửu Vân, Phường 17, Q. Bình Thạnh, Tp. HCM.

logo

Liên hệ với chúng tôi

Hotline

0918 928 028 0949 117 676

Khó quản thức ăn, thuốc thú y thủy sản
14/09/2023 09:17 AM 94 Lượt xem

Khó quản thức ăn, thuốc thú y thủy sản

Trong lúc nhà nông điêu đứng vì chất lượng kém, ngành quản lý vẫn còn đang loay hoay đối phó bằng những giải pháp tình thế thì thị trường thức ăn, thuốc thú y dành cho nuôi trồng thuỷ sản vẫn hết sức “bát nháo”. Nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận, sẵn sàng tìm mọi cách để gian dối, vi phạm.

Có nhiều năm nuôi cá bè trên sông Sở Thượng thuộc huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), mỗi khi vào vụ nuôi trồng gia đình anh Nguyễn Văn Dũng luôn phập phồng với nỗi lo chất lượng thức ăn, thuốc thú y thủy sản. “Chất lượng thức ăn, thuốc thú y thủy sản đóng vai trò quyết định trong lợi nhuận hay thua lỗ của mỗi hộ nhà nông. Các loại thức ăn được bán trên thị trường thường công bố hàm lượng đạm rất cao, theo tiêu chuẩn cho phép. Khi mua sử dụng chúng tôi cũng chỉ biết tin tưởng vào hàm lượng ghi trên bao bì, nhưng chất lượng thực sự thì không thể biết được, nhất là các loại thức ăn dạng hỗ hợp. Trên thị trường cũng tràn lan thuốc thú y chất lượng kém, thương hiệu na ná nhau, quảng cáo rầm rộ nên người mua khó phân biệt thật giả”, anh Dũng cho hay.
 

Thức ăn, thuốc thú y cho thủy sản chưa đảm bảo chất lượng đang ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập nhà nông


Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, tình trạng đưa thuốc, hóa chất không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, ngoài danh mục bán tại đại lý cấp 2 mà không qua đại lý cấp 1 vẫn đang diễn ra phổ biến. Sai phạm phần lớn tập trung ở những đơn vị nhỏ lẻ tại các địa phương. Trong khi đó, sự phối hợp trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm không đạt chất lượng, hàng ngoài danh mục, hàng giả giữa Thanh tra Bộ, Tổng cục Thủy sản, Thanh tra Sở và các Chi cục Thủy sản còn nhiều vướng mắc nên khó hạn chế được sai phạm.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản cho rằng công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản còn gặp nhiều khó khăn khi hầu hết các cơ sở đều “trang bị nghiệp vụ” để đối phó với đoàn kiểm tra. “Do được ngành chức năng báo trước khi tiến hành kiểm tra nên những hành vi vi phạm được doanh nghiệp xử lý trước, hoặc dùng chiêu đối phó như treo thông báo ngừng bán, ngừng sản xuất, đang sửa chữa nhà xưởng… Mức xử phạt các trường hợp vi phạm sử dụng chất cấm trong kinh doanh, nuôi trồng thủy sản còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe”, ông Hòe nói thêm.

Nỗ lực chấn chỉnh

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước: Trong khi việc quản lý thức ăn, thuốc thú y thủy sản gặp khó khăn như hiện nay, chính bản thân người nuôi phải ý thức cảnh giác, tự bảo vệ mình. Nhà nông nên chọn những thương hiệu có uy tín, lâu năm, không ham rẻ hoặc dễ dàng tin lời “đường mật” của người bán. Ở góc độ quản lý, để đảm bảo chất lượng, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra không chỉ ở khâu sản xuất của doanh nghiệp mà cả ở những vùng nuôi, các hộ dân đang sử dụng nhằm hạn chế tình trạng nhà sản xuất thức ăn kém chất lượng tìm cách tuồn hàng bán trực tiếp cho nông dân với giá rẻ.... Thực tế tình trạng này vẫn đang xảy ra và nhà nông là đối tượng luôn bị thiệt thòi.
 

Theo Tổng cục Thủy sản, nhu cầu thức ăn phục vụ cho nuôi trồng thủy sản hàng năm khoảng 3,53 triệu tấn, trong đó lượng sản xuất trong nước đạt khoảng 3,1 triệu tấn. Riêng thuốc thú y thủy sản, thị trường hiện có khoảng 853 sản phẩm đăng ký lưu hành, trong đó chủ yếu là sản phẩm trong nước.

Trước thực trạng này, Ông Trương Đình Hòe cho hay, Tổng cục thủy sản vừa có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản. Tổng cục thủy sản đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong quá trình sản xuất, lưu thông, mua bán và sử dụng thức ăn, thuốc thú y thủy sản, đặc biệt là cơ sở nuôi nhỏ lẻ và các đại lý phân phối vật tư dùng trong nuôi trồng thủy sản. Các địa phương, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải nhanh chóng thực hiện những quy định của ngành chức năng về các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ. 

“Song song đó, cần ra quân kiểm tra và phân loại tất cả cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư dùng trong nuôi trồng thủy sản được thống kê. Xử lý nghiêm và truyền thông công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh xếp loại C tái phạm, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản… Nếu chúng ta thực hiện nghiêm các quy định này của ngành chức năng, hy vọng tình trạng bát nháo trong sản xuất, kinh doanh thức ăn, thuốc thú y cho thủy sản sẽ giảm bớt”, ông Hòe nhấn mạnh.

Chia sẻ:
Bài viết khác:
zalo
Hotline
Chỉ đường